Đại Cương Lịch Sử Dòng Xitô
- ĐAN TU TRÀO TÂY PHƯƠNG VÀ THÁNH BIỂN ĐỨC
Theo Tu luật thánh Biển Đức, tâm điểm đời sống đan tu là thi hành việc Chúa, đó là cử hành các giờ kinh phụng vụ (bảy lần ban ngày và một lần ban đêm), như nhịp điệu hài hòa của ngày sng đan tu. Ngoài các giờ kinh, các đan sĩ lao động, đọc sách, dùng bữa và ngủ nghỉ. Vì thánh Biển Đức đã học biet được từ các Linh phụ sa mạc rằng “ở nhưng là thù địch của linh hồn”, nên ngài cho là thiếu khôn ngoan khi để cho đan sĩ có lúc nào đó rảnh rỗi.
Năm 909 hoặc 910, thời điểm thành lập đan viện Cluny, gần Mâcon, ở phía nam miền Bourgogne, là lúc khởi đầu cuộc canh tân đan tu trào tây phương. Cluny là một thử nghiệm can đảm leo ngược triền dốc để trả lại cho đời đan tu tinh thần đích thực của tu luật Biển Đức, và thử nghiệm ấy đã thành công. Tuy nhiên, mặc dầu nhờ các viện phụ, nhờ lòng đạo đức, sự sùng mộ tu luật, nếp sống nghiêm ngặt và khắc khổ mà công cuộc cải tổ của Cluny trở thành mẫu mực cho tất cả các đan viện khác, nhưng về một số phương diện Cluny lại trái ngược hẳn với lý tưởng cộng tu nơi sa mạc. Năm này qua năm khác người ta dâng cúng rất nhiều. Ngôi nhà thờ của đan viện là một thánh đường nguy nga tráng lệ và rộng lớn hơn tất cà các thánh đường của thời đó. Phụng vụ kéo dài thời gian và rất rườm rà. Sau cùng, các viện phụ, đầy quyền lực và được kính trọng, can dự quá nhiều vào việc thế gian bên ngoài đan viện. Vì thế nhiều đan sĩ và viện phụ thời ấy tỏ ra bất bình. Thế kỷ 11 và 12 được ghi đấu bằng nhiều phong trào muốn áp dụng lối sống ngặt hơn theo tu luật thánh Biển Đức, trở về với những ý tưởng của sa mạc đã bị bỏ quên. Bruno de Cologne sáng lập đan viện Chartreuse; trong khi đó người ta thấy xuất hiện các đan viên Grandmontain, Prémontré, Gilbertin thuộc hội dòng Savigny và nhiều đan viện khác.
- ROBERT DE MOLESME VÀ VIỆC THÀNH LẬP XITÔ
Phong trào này cũng bắt nguồn từ đan viện Thánh Mẫu Molesme ỡ miền Bourgogne, thành lập năm 1075 bởi thánh Robert. Đan viện mới đã thành công rực rỡ. Chừng mười lăm năm sau khi thành lập, Molesme đã giống như bất cứ đan viện Biển Đức phồn thịnh nào ở thời kỳ ấy. Viện phụ Robert không ưa gì tình hình đó, ngài đã rời bỏ đan viện, rồi bị ép buộc trở lại. Nhưng vì khó tránh khỏi mối nguy đồng lõa với một nếp sống như thế, ngài đề nghị với Đức Tổng Giám mục Lyon thiết lập một đan viện mới. Ngài được Đức Tổng Giám mục ban phép và chúc lành. Thế là vào những tháng đầu năm 1098, cùng với 21 đan sĩ ngài rời Molesme tới cư ngụ tại thung lũng sông Saône, cách Dijon hai mươi hai cây số về phía nam.
Ban đầu nhà mới lập chỉ được gọi là « Tân Đan viện », rồi vào năm 1119 lấy tên là Citeaux (Xitô), theo địa danh của nơi đan viện được thành lập. Sau khi Viện phụ Robert trở lại Molesme vào mùa thu năm 1099, chức vụ viện phụ của tân đan viện được ủy thác cho cha Albéric, và khi ngài qua đời vào ngày 26 tháng 1 năm 1109, cha Stêphanô Harding kế vị. Viện phụ Stêphanô là một người có học thức và uyên bác, một nhà tổ chức khéo léo và một người quản trị có kinh nghiệm, ngài có tương quan rất tốt với các lãnh chúa ở những miền chung quanh. Dưới nhiệm kỳ của ngài, bốn đan viện con đã ra đời, giữa những năm 1113 và 1115. Từ lúc đó chúng ta có thể thực sự nói tới việc thành lập một « Dòng » mới. Vào năm 1113, trong khi xúc tiến việc thành lập đan viện con đầu tiên, La Ferté-sur-Grosne, một thanh niên thuộc gia đình quí tộc tên là Bênađô có gốc gác từ Fontaine-les-Dijon, gia nhập Xitô. Năm 1114, đan viện thứ hai được thiết lập ở Pontigny, chủ trì bởi Hugues de Mâcon, một trong những người bạn của Bênađô. Đan viện Clairvaux, mà viện phụ tiên khởi là Bênađô khi ấy mới hai mươi lăm tuổi, và đan viện Morimond gần Langres cùng được thiết lập năm 1115.
Mỗi đan viện mới phải tự túc về kinh tế, nhưng phải báo cáo tình hình với đan viện mẹ. Việc miễn trừ khỏi thẩm quyền giám mục cho phép Dòng Xitô hoàn chỉnh hai điều lệ làm nên sức mạnh của Dòng : hệ thống kinh lý của các viện phụ nhà mẹ và Tổng Công nghị thường niên.
Viện phụ nhà mẹ phải kinh lý các đan viện con mỗi năm một lần để bảo đảm cho nếp sống của các đan viện ấy diễn tiến tốt đẹp. Phương thức này không hoàn toàn là sáng kiến của Xitô, vì nó cũng đã có từ thời gian đầu của Dòng Vallombreuse, nhưng được cảm hứng từ thoả ước giữa Molesme và Aulps ký năm 1097, dưới thời Viện phụ Robert, vị sáng lập Xitô.
Dòng Xitô được hình thành như một cây lớn. Xitô là thân cây từ đó nảy sinh bốn cành chính, gọi là cành mẹ : La Ferté, Pontigny, Clairvaux và Morimond. Mỗi đan viện giống như một nhánh mới mọc ra từ cành mẹ và lại có thể thành lập những đan viện mới nữa. Nhưng các đan viện này luôn liên kết với thân và bốn cành chính. Hằng năm, các Viện phụ phải về Xitô để họp Tổng Công nghị vào khoảng trước sau Lễ kính Thánh Giá (14 tháng 9). Sau các cuộc họp ấy, các luật lệ được ban hành. Từ cuối thế kỷ 12, một ủy ban phụ tá do Viện phụ Xitô bổ nhiệm cũng tham dự Công nghị.
- PHÁT TRIỂN VÀ CANH TÂN
Nhờ sự hỗ trợ của Đức Giáo hoàng, các vua chúa và giám mục, thánh Bênađô có ảnh hưởng rất lớn trong việc phát triển Dòng. Khi thánh nhân qua đời, ba trăm năm mươi đan viện đã được thành lập, trong số đó sáu mươi tám đan viện được thành lập bởi Clairvaux. Đà phát triển thực thụ diễn ra giữa những năm 1129-1139 và sức năng động lớn lao như thế đã làm nảy sinh nhiều vấn đề : việc sát nhập những đan viện sống theo thói lệ không phù hợp với tinh thần của Hiến chương Bác ái, những khó khăn đối với các đan viện mẹ trong nhiệm vụ kinh lý thường niên, nguy cơ làm kiệt quệ các đan viện mẹ vì nhân sự quá thường xuyên bị phân phối đi. Nhánh Clairvaux có tới 350 đan viện, Morimond có hơn 200, Xitô có chừng một trăm, chỉ có Pontigny khoảng bốn chục và La Ferté dưới hai chục.
Việc bành trướng này đưa các đan sĩ xitô lên vị trí trổi vượt không những giữa đan tu trào Âu châu mà còn trong đời sống văn hóa, chính trị và kinh tế nữa. Họ tham gia vào các biến cố lớn của đời sống Giáo hội. Chinh phục Đất thánh : các đan sĩ xitô hô hào phát động cuộc thập tự chinh thứ ba (1188-1192 ; một số vị đích thân tham chiến. Giảng Phúc âm cho miền nam nước Pháp và chiến đâu chống lạc giáo Cathare bị Giáo hội kết án. Các đan sĩ xitô đi trước các tu sĩ Đaminh trong những lãnh vực trên. Các ngài giảng thuyết và tổ chức công cuộc chặn đứng lạc giáo. Sứ mệnh kitô hóa : nhờ thế quyền hỗ trợ các đan sĩ xitô xâm nhập vào nước Phổ (nước Đức ngày nay) và các tỉnh miền ban tích. Bảo vệ các quyền lợi của Tòa Thánh : cuộc tranh cãi giữa Đức Giáo hoàng và hoàng đế kéo dài ; các đan sĩ xitô hỗ trợ những đường hướng chính trị thần quyền của Giáo hoàng. Dấn thân vào đời sống mục vụ : nhiều đan sĩ xitô trở thành giám mục hay đặc sứ của Giáo hoàng, gánh vác những công việc cao nhất của Giáo hội.
Tiếp theo việc lớn mạnh của Dòng, với việc thành lập rất nhanh hàng trăm đan viện và việc sát nhập nhiều hội dòng (các hội dòng Savigny và Obazine ngay khi thánh Bênađô còn sống), sự đồng nhất trong các thói lệ có từ ban đầu dần dần và vô tình bị biến thái. Vào năm 1354, Dòng có 690 đan viện nam đan sĩ trải rộng từ Bồ Đào Nha tới Thụy Điển, từ Ái Nhĩ Lan tới Estonia và từ Écosse tới Sicilia. Sự biến đổi của đới sống xã hội, trí thức và chính trị cũng ảnh hưởng tới việc phát triển Dòng, và từ thế kỷ XV Dòng đã thành lập những chi nhánh có khả năng làm cho lý tưởng chung do tổng tu nghị hằng năm đề xuất thích ứng được với những thực tại địa phương. Viện phụ đan viện Xitô được coi như thủ lãnh của Dòng và mang danh hiệu Tổng phụ.
Cũng có những nữ đan sĩ xitô ; các chị được định chế và năm 1128 tại đan viện Tart trong giáo phận Langres và mang tên Bernadines hay Clairettes. Các đan viện của miền ngoại ô Saint-Antoine ở Paris và của Port-Royal là các đan viện nổi tiếng nhất trong những đan viện của các chị.
Đàng khác, trên lý thuyết việc quản trị đan viện chỉ thuộc quyền viện phụ, từ đó nảy sinh ảnh hưởng xấu trên các cộng đoàn có viện phụ được hưởng bổng lộc, thường là có tinh thần thế tục, nhiều tham vọng và hư hỏng, sống cuộc đời ít am hợp với tu luật.
Từ khởi thủy việc xử dụng « quyền lãnh đạo » là một kế hoạch của quyền giáo hoàng ở Avignon để kiểm soát chặt chẽ hơn các chức vụ trong Giáo hội. Nhưng kế hoạch này tỏ ra tai hại đối với dòng Xitô. Các cộng đoàn đan tu không còn quyền bầu chọn viện phụ của mình nữa, mà do giáo hoàng hay nhà vua trực tiếp chỉ định. Thường thì những người được chọn không phải là đan sĩ nhưng là các vị giám chức triều để tưởng thưởng vì các vị đã phục vụ tốt. Hệ thống « quyền lãnh đạo » đã gây ra những tàn phá lớn, đặc biệt ở Pháp và Italia. Vắng người hướng dẫn đích thực hay thiếu lợi ích chính đáng khiến nhiều đan viện trở nên cằn cỗi, hư hoại và biến chất.
Tuy nhiên, tình trạng đó không đến nỗi thê thảm cho toàn bộ Âu châu. Tại Pháp, vào thế kỷ XVI, người ta không chỉ nhấn mạnh tới sự kiện các đan viện xitô bị suy thoái, trong một số trường hợp bị triệt tiêu, nhưng cũng nói tới những kế hoạch canh tân tích cực. Jean de la Barrière, viện phụ được chỉ định của các đan sĩ Feuillants, có cuộc sống rất khắc khổ, đã thực hiện một cuộc canh tân và thành lập cộng đoàn đan sĩ Feuillants. Là người đi trước viện phụ Rancé, ngài đã thành công trong việc tìm lại sự khắc khổ của tu luật biển đức hay luật xitô nguyên thủy, chấm dứt sự suy thoái luân lý và cách sống dễ dãi trong đan viện của ngài.
Việc « Giữ luật ngặt » ra đời vào đầu thế kỷ XVII còn quan trọng hơn nữa. Khi viện phụ Rancé tới La Trappe, ngài kinh hãi trước hiện trạng của đan viện. Ngài ôm ấp những lý tưởng canh tân Dòng Xitô với cùng một lòng hăng say xưa kia đã thức đẩy ngài tìm thụ hưởng vui thú thế gian. Những người tham gia cuộc canh tân ước muốn trở về với những lý tưởng khổ hạnh có từ nguồn cội của Dòng, và đặc biệt trở về chế độ ăn rau nguyên thủy. Vì tuyệt đối không ăn thịt, các ngài được gọi là những đan sĩ kiêng thịt. Hai bên đã đi tới chỗ thiết lập những cơ cấu quản trị riêng, nhưng nếu bên Giữ luật ngặt có quyền gửi mười viện phụ tham gia Hội đồng quản trị, họ vẫn phục quyền nhà mẹ Xitô và Tổng công nghị.
Trong hậu bán thế kỷ XVIII, có những phê bình gay gắt chống lại lối sống đan tu. Tai Pháp, Dòng bị giao động sâu xa vào cuối thế kỷ này khi ơn gọi khan hiếm và khi sự hâm mộ đời sống đan tu nghiêm ngặt nhường chỗ cho việc chấp nhận một lối sống đan tu ít đòi hỏi hơn nhiều và vì thế dễ bị chỉ trích hơn.
- SAU CÁCH MẠNG
Trước Cách mạng Pháp, đã có sáu mươi lăm đan viện thuộc ngành « Giữ luật ngặt », nhưng khi Cách mạng bùng nổ, không một đan viện nào ở Pháp thoát khỏi bị tàn phá. Sau Cách mạng chỉ còn lại chừng mười hai nhà, tảm mác trên phần lãnh thổ Đế quốc rôma thuộc miền Đức. Khi đến lượt đan viện Trappe bị Nhà nước trưng thu và các đan sĩ bị trục xuất, vị tập sư cuối cùng, Augustin de Lestrange, trốn sang Thụy Sĩ cùng với một nhóm hai mươi mốt đan sĩ. Ngày 1 tháng 6 năm 1791, ngài phục hồi ngành « Giữ luật ngặt » tại La Valsainte và ấn định cho các đan sĩ một chế độ còn chặt chẽ hơn chế độ viện phụ Rancé đã qui định.
Sau khi Napoléon thất trận vào năm 1815, những đan viện không bị chiến tranh tàn phá và đan sĩ không bị trục xuất bắt đầu nối lại liên hệ với nhau, phục hồi các Hội dòng. Vì đan viện Xitô bị phá hủy nên Dòng không còn thủ lãnh theo tự nhiên, và chủ nghĩa quốc gia lớn mạnh ở Âu châu gây khó khăn cho việc tìm kiếm một giải pháp chung. Các viện phụ xitô họp lần đầu tiên tại Roma vào năm 1869. Năm 1891, một tổng phụ được bầu chọn : Dom Wackarz, viện phụ đan viện Vyssi Brod. Ngài mang danh nghĩa là tổng chủ tịch của Dòng Xitô.
Tại Pháp, vào năm 1892 các đan sĩ « trappistes » (ngành « Giữ luật ngặt ») qui tụ lại với danh xưng « Đan sĩ xitô cải cách Thánh Mẫu Trappe ». Từ 1898, các tổng công nghị nhóm tại đan viện Xitô mới được phục hồi. Tổng phụ cư trú tại Roma. Năm 1902, các đan sĩ « trappistes » trở thành Dòng Xitô cải cách hay Dòng Xitô giữ luật ngặt.
Trong thế kỷ XIX, các đan sĩ « trappistes » thiết lập các đan viện tại Canada, Hoa Kỳ, Úc, Syria, Giocdani, Nam Phi, và Trung quốc. Hiện nay Dòng Xitô giữ luật ngặt hiện diện trên khắp thế giới với 2600 nam đan sĩ trong 99 đan viện, và 1883 nữ đan sĩ trong 66 đan viện.
Còn Dòng Xitô (O.Cist.) hiện có 1500 nam đan sĩ trong 92 đan viện và 1000 nữ đan sĩ trong 64 đan viện.
Bên cạnh các đan sĩ chính thực thuộc về một trong hai ngành trên đây, còn một số đông đan viện nữ sống theo tinh thần xitô, qui tụ thành dòng hay hội dòng : các chị bernadines ở Esquermes, các chị bernadines ở Oudenaarde, các chị bernadines ở Thụy Sĩ.
Nguồn : Website OCSO.
No comments:
Post a Comment